Tần số rung động năng lượng ở con người – Trích đoạn từ cuốn Power Vs Force của David R. Hawkins do Ly lược dịch.

Bài siêu dài, nếu bạn đủ duyên đọc hết, Ly nghĩ nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn. Các bạn share thoải mái. Cảm ơn mọi người.
Tần số rung động năng lượng ở con người
– 85% dân số có mức năng lượng dưới 200 (huỷ diệt)
– Mặt bằng năng lượng chung toàn cầu đang là 204 (vừa đủ sống)
– Một vài cá thể có năng lượng cao ngất ngưởng đã bù trừ cho 85% dân số còn lại
Bạn ở mức năng lượng nào?
Tình yêu là gì?
Lý lẽ lại là rào cản của nhận thức nhân loại?
Tức giận hoá ra còn lành mạnh cho xã hội hơn là sự ngậm ngùi cam chịu?
Lòng tự tôn vẫn mang tính huỷ diệt cho cá nhân và xã hội?
Người không còn phân biệt đúng sai, chỉ tập trung vào niềm vui.. ơ.. lại có năng lượng cao chất ngất?
Hoan hỉ chọn điều dễ dàng.. gian khổ.. sẽ tự tiêu tan.. hoá ra là có thật?
Mời cả nhà đọc trích đoạn từ cuốn Power Vs Force của David R. Hawkins do Ly lược dịch.
—-
“..Chúng ta đều là những rung động năng lượng ở các tần số khác nhau. Tần số càng thấp, năng lượng càng vón, và các vấn đề gặp phải trong cuộc sống dường như càng nặng nề. Ở đây cơ thể bạn sẽ có đau đớn hoặc bất an, bạn trải qua các cảm xúc nặng nề và bấn loạn trong tâm. Về mặt siêu linh, năng lượng của bạn tối hơn. Để làm gì bạn cũng phải nỗ lực hơn để hoàn thành. Nhìn chung, cuộc đời của bạn có những phẩm chất tiêu cực
Tần số rung động năng lượng của bạn càng cao, bạn càng thấy nhẹ nhõm trong thân thể, tâm trí, và cảm xúc. Bạn trải nghiệm bản thân mình quyền lực, tinh anh, bình an, yêu thương, và vui sướng một cách mạnh mẽ hơn nhiều. Bạn không có hoặc có rất ít, sự đau đớn bất an trong cơ thể, cảm xúc của bạn được đón tiếp dễ dàng. Năng lượng của bạn nói thẳng ra, là tràn ngập ánh sáng. Cuộc đời của bạn tuôn trào trong đồng điệu, và bạn ước gì được nấy một cách dễ dàng. Nhìn chung, cuộc đời bạn có phẩm chất tích cực.
Có tần số rung động năng lượng cao sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn với bạn và toàn bộ thế giới, khi chúng ta có ý thức rõ ràng hơn về hai cực đối lập của rung động thấp và rung động cao. Ta sẽ bắt đầu cảm nhận được sự phân rẽ rõ rệt hơn giữa “tối” và “sáng” như thể ta sống trong 2 thế giới cùng một lúc. Ta sẽ cần lựa chọn giữa sáng và tối, hay rung động cao và thấp, một cách tỉnh thức.
Sự tuyệt vọng và bất lực đến từ các thách thức, sẽ ngốn đi những người đang rung động ở mức độ thấp. Hãy biết rằng bạn có thể nhận được hỗ trợ từ những người có rung động cao.
Năng lượng thấp hơn và vón hơn, một cách tự nhiên, thường muốn nâng cao lên khi ở bên những năng lượng nhẹ và cao hơn. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian nhất định, quá trình này thường cho cảm giác rất khó chịu cho những người ở tần số rung động thấp, và cho cả những người ở tần số rung động cao.
Điều quan trọng là người mang năng lượng rung động cao cần duy trì chứ không hạ thấp năng lượng của mình xuống dù có cảm thấy khó chịu đến đâu. Những người đang cộng hưởng ở năng lượng cao hơn sẽ chỉ có thể duy trì nó khi họ không bị kéo tuột vào năng lượng thấp hơn. Sự kéo tuột này sẽ đến từ những lập trình cũ kỹ trước đây của họ, trong việc cứ muốn phải được người khác phê duyệt và để cho mình được vừa vặn với chung quanh.
Khi bạn ở năng lượng cao hơn, bạn là một hình mẫu. Chọn ở tần số rung động cao hơn cần bạn biết rõ mình, ngay cả khi bạn thấy mình không còn phù hợp với đám đông. Bạn sẽ không còn được người khác chấp thuận và không còn hợp với đám đông bởi vì bạn SẼ NỔI BẦN BẬT khi ở bên những người có năng lượng thấp, như một đốm sáng nổi lên trong bóng đêm.
Hãy hiểu rằng những người có rung động năng lượng thấp có tiềm năng để nâng tần số rung động năng lượng của mình. Hãy nhớ rằng bạn sẽ có thể gặp được những người có tần số rung động năng lượng cao hơn, và đây là nơi bạn có thể nhận được hỗ trợ để toả sáng lấp lánh..”
Pamela Dussault
—–
Các bậc ý thức của con người
****
Mức rung động năng lượng 20: Hổ Thẹn, nhục nhã, chán ghét bản thân
****
Mức rung động của sự Hổ thẹn cũng gần như mức rung động của cái chết. Có thể thấy đa số những ca tự sát đều chọn kết liễu cuộc sống của mình từ sự hổ thẹn. Một cách khác cũng có thể thấy người ở mức Hổ thẹn không còn muốn sống, một sự tự sát từ từ. Ta cũng thấy nhiều ca chết người từ những tai nạn rất vô duyên, những tai nạn lẽ ra hoàn toàn tránh được nhưng lại rơi vào đầu những người rung động ở mức hổ thẹn.
Chúng ta ai cũng từng gặp những phút giây hổ thẹn, mất mặt, mất uy tín, hoặc thấy mình vô danh tiểu tốt, vô tích sự. Trong sự Hổ thẹn, người ta để cho đầu của mình gục xuống lúc lỉu, mặt luôn muốn tránh đi, như thể họ ước gì họ không tồn tại và vô hình. Sự xua đuổi, trục xuất.. thường đi kèm với cảm giác hổ thẹn. Trong những xã hội còn sơ khai, nó cũng tương đương với cái chết.
Những trải nghiệm đầu đời, như bị bạo hành tình dục, dẫn tới sự hổ thẹn, sẽ làm bóp méo tính cách của người ta cả đời trừ khi được chữa lành. Sự hổ thẹn, như Freud xác định, khiến người ta loạn thần kinh chức năng. Nó mang tính huỷ hoại đến sức khoẻ cảm xúc lẫn tâm lý, khiến người ta dễ gặp ốm đau về thể xác.
Một tính cách có nền tảng là Sự hổ thẹn thường rụt rè xấu hổ, co cụm, sống nội tâm.
Sự Hổ thẹn cũng được dùng như một công cụ tàn độc, và nạn nhân thường cũng trở nên tàn độc như thế. Những đứa trẻ bị làm cho hổ thẹn nhục nhã thường tàn ác với cả muông thú lẫn bạn bè mình. Ở mức ý thức 20, hành vi của con người là nguy hiểm. Họ có xu hướng sống trong ảo giác của sự kết tội, luôn bị ám ảnh, một số người trở thành bị tâm thần phân liệt hoặc gây những tội ác lạ lùng.
Một số cá nhân sống trong Sự hổ thẹn thì tìm cách bù đắp bằng bệnh hoàn hảo và cứng nhắc, thông thường đầy nỗ lực và rất khó chấp nhận khác biệt. Ví dụ cực kỳ rõ ràng, là những nhà đạo đức cực đoan, huy động nên những tiểu ban kiểm tra, tự ám thị chính nỗi xấu hổ nhục nhã vô thức trong mình lên người khác. Họ tự cho mình là đúng đắn, đầy đạo đức, thay trời hành đạo để ngang nhiên tấn công, kết tội, thậm chí kết liễu người khác. Những kẻ giết người hàng loạt thường hành động dựa trên đạo đức về tình dục, tự biện minh rằng chúng thay trời trừng phạt những người đàn bà “hư hỏng”.
Vì mức rung động này kéo tụt hết cả tính khí của một người, Sự hổ thẹn khiến cho người ta dễ bị mắc kẹt vào các cảm xúc tiêu cực của người khác, và vì thế, thường tạo ra sự tự tôn giả tạo, sự tức giận, và cảm giác tội lỗi.
****
Mức rung động năng lượng 30: Cảm giác tội lỗi
****
Cảm giác tội lỗi, được sử dụng khá thường xuyên trong xã hội chúng ta để thao túng và trừng phạt lẫn nhau. Cảm giác tội lỗi có nhiều hình thái khác nhau: sự hối tiếc, tự buộc tội bản thân, khổ dâm, và cả loạt triệu chứng về tư tưởng nạn nhân. Cảm giác tội lỗi vô thức dẫn đến các bệnh tâm sinh lý, dễ thu hút tai nạn vào người, và các hành vi tự sát. Nhiều người vật lộn với cảm giác tội lỗi cả cuộc đời, trong khi những người khác tìm cách thoát ra trong vô vọng bằng cách chối bỏ mọi tội lỗi của mình bất chấp đạo đức.
Sự nhấn mạnh vào tội lỗi thường được khai thác triệt để trong tôn giáo, và bị lạm dụng để dùng làm công cụ cưỡng ép và kiểm soát người khác. Những cá nhân và tổ chức lúc nào cũng dùng tôn chỉ “tội đồ và cứu tế”, chầu chực để trừng phạt người khácc, thường là hành động từ chính cảm giác tội lỗi của mình, hoặc cứ ám thị lên người khác.
Những nền văn hoá ưa thể hiện các hình thức tự đánh đập cũng thể hiện ở các hình thức tàn ác khác như lễ giết tế người hoặc động vật một cách công khai. Cảm giác tội lỗi thường kích động sự thịnh nộ, được thể hiện qua sự giết chóc. Tử hình là một ví dụ rất dễ hiểu cho việc lấy giết chóc để làm vừa lòng một xã hội đầy mặc cảm tội lỗi. Hay như văn hoá Mỹ, việc mạt sát nạn nhân trên phương tiện truyền thông hay đưa ra những hình phạt khác nhau nhưng chưa bao giờ cho thấy điều này mang lại kết quả.
****
Mức rung động năng lượng 50: Thờ ơ lãnh đạm
****
Mức rung động này thường thấy ở sự nghèo khó, vô vọng, không còn thiết gì cuộc sống. Thế giới và tương lai mù mịt, sự buồn bã chán chường là màu sắc chính của cuộc đời. Đây là một trạng thái bất lực. Nạn nhân của nó, thấy mình cái gì cũng cần. Thiếu thốn không chỉ vật chất mà cả năng lượng tinh thần để mà tìm ra cách sống.
Trừ khi được tiếp năng lượng bởi những người chăm sóc, họ rất dễ đi đến cái chết một cách thụ động. Không còn nghị lực sống, những người vô vọng này có ánh nhìn thất thần, vô cảm với mọi diễn biến, thậm chí họ còn chẳng có năng lượng để mà nuốt thức ăn người khác mang cho.
Đây thường là mức rung động năng lượng của người vô gia cư và những kẻ bị xã hội bỏ rơi; đây cũng là số phận của rất nhiều ông bà cụ và những người đau ốm nặng quanh năm.
Những người bất lực này thường sống lệ thuộc, cho cảm giác nặng nề và thường bị người khác coi là gánh nặng.
Xã hội cũng thường không có động lực để thực sự hỗ trợ những nền văn hoá hoặc cá nhân ở mức độ rung động này. Mức rung động này chính là những con đường của phố Calculta, Ấn Độ, nơi mà chỉ có vị thánh như mẹ Teresa và các tuỳ nhân của bà dám đi qua.
Mức năng lượng này là khi người ta đã mất hết hi vọng, chỉ còn một vài người dám nhìn thẳng vào nó.
****
Mức rung động năng lượng 75: Nỗi sầu khổ tiếc thương
****
Đây là mức năng lượng buồn bã, mất mát, bất lực. Đa số con người có trải nghiệm này tuỳ lúc trong cuộc đời, nhưng những người bị kẹt trong mức năng lượng này sống cả đời trong nỗi tiếc thương và trầm uất liên miên. Đây là mức độ khóc thương, tổn thất mất mát, tiếc nuối quá khứ kinh niên. Đây cũng là mức năng lượng của những người liên tục thua cuộc, thua cá độ, thua bài bạc hết lần này tới lần khác và coi sự thua lỗ thất bại là một phong cách sống của mình. Điều này thường dẫn tiếp đến những sự mất mát khác: mất việc, mất bạn bè, mất người thân, mất cơ hội, mất cả tiền lẫn sức khoẻ.
Những tổn thất to lớn khi còn trẻ thường khiến một người trở nên dễ bị chấp nhận việc mất mát tổn thất một cách thụ động, như thể họ coi nỗi sầu muộn là một cái giá phải trả cho cuộc sống. Trong mức rung động năng lượng này, họ thấy nỗi buồn hiển hiện ở khắp nơi: nỗi buồn trong con trẻ, nỗi buồn của thế giới, nỗi buồn của cuộc đời. Ở mức rung động năng lượng này, cả thế giới và sự hiện hữu là một màu xám xịt.
Một triệu chứng dễ thấy là họ đánh đồng thứ họ mất với biểu tượng mà nó mang lại. Ví dụ mất người thân yêu thì đánh đồng luôn là mất đi tình yêu, là không còn tình yêu tồn tại trên trái đất này.
Ở mức năng lượng này, cảm xúc mất mát tổn thất có thể sẽ dẫn tới trầm cảm nặng hoặc tử vong.
Dù rằng Nỗi tiếc thương là nấm mồ vùi chôn cuộc đời, nhưng ít ra nó còn có năng lượng hơn mức Thờ ơ vô vọng (50) bên trên. Vì thế, khi ta thấy một bệnh nhân đờ đẫn vô cảm bắt đầu ri rỉ khóc.., ta biết rằng người đó đang bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Một khi bắt đầu khóc, là sẽ bắt đầu ăn uống trở lại.
****
Mức rung động năng lượng 100: Sợ hãi
****
Ở mức rung động 100, sức sống dồi dào hơn nhiều; sự sợ hãi hiểm nguy thực ra lại rất lành mạnh. Nỗi sợ vận hành phần lớn thế giới này, khởi nguồn cho vô vàn hoạt động. Sợ kẻ thù, sợ tuổi già, sợ chết, sợ bị chối bỏ, sợ đủ thứ.. chính là nguồn động lực sống của đa số mọi người.
Từ góc nhìn của mức năng lượng này, thế giới đầy rẫy nguy hiểm, toàn cạm bẫy và đe doạ.
Các cơ quan chức năng và nhà cầm quyền, hội, nhóm rất yêu thích công cụ là Sự sợ hãi, để đe doạ và thống trị đám đông. Sự bất an, chính là công cụ thao túng của nhiều thị trường. Truyền thông và quảng cáo cũng thích dùng Nỗi sợ để tăng thị phần.
Sự lớn mạnh của Nỗi sợ tuôn trào vô hạn y như trí tưởng tượng của con người. Một khi Nỗi sợ đã trở thành trung tâm chú ý, thì thế giới sẽ cho bạn ăn đủ các sự kiện đáng sợ để chiều theo ý bạn. Nỗi sợ trở thành nỗi ám ảnh, và có thể thiên biến vạn hoá thành bất cứ hình thức nào.
Sợ mất người yêu, sẽ dẫn tới ghen tuông và căng thẳng kinh niên. Nghĩ cái gì cũng sợ sệt thì ý nghĩ sẽ phình to lên thành nỗi ám ảnh lúc nào cũng tự kỷ ám thị, rối loạn thần kinh chức năng, hơi tí là gồng lên phản kháng, và nỗi sợ cũng biến thành trào lưu của xã hội.
Nỗi sợ giới hạn khả năng trưởng thành của mỗi người, dẫn tới sự kìm hãm. Vì cần phải có nhiều năng lượng hơn nữa thì mới có thể vượt qua được cảnh giới Sợ, nên người bị hãm thường không thể tự mình tiến lên cảnh giới cao hơn nếu không được giúp đỡ.
Vì thế, những người sợ sệt thường tìm cho mình những vị lãnh đạo mạnh mẽ để chinh phục nỗi sợ hộ mình và kéo mình ra khỏi ách nô lệ này.
****
Mức rung động năng lượng 125: Thèm khát
****
Ở mức độ này, năng lượng dồi dào hơn hẳn. Sự thèm khát là động lực thúc đẩy đa số hoạt động của con người, trong đó có nền kinh tế. Những người làm quảng cáo dùng Sự thèm khát của chúng ta để lập trình cài đặt ta vào các nhu cầu bản năng. Sự thèm khát khiến chúng ta nỗ lực dành bao công sức để đạt thành tựu hoặc để được ban thưởng. Sự thèm khát tiền bạc, danh vọng, quyền lực là động cơ sống của bao con người đã vượt qua Nỗi sợ, trở thành thói quen sống chủ lực và rất giới hạn.
Thèm khát, cũng chính là mức độ rung động của sự nghiện ngập, nơi mà sự thèm khát trở thành nỗi ham muốn còn quan trọng hơn cả chính cuộc sống. Những nạn nhân của sự Thèm khát thực ra không nhận thức được điều cơ bản trong động lực của họ. Một số người trở nên nghiện ham muốn được chú ý và khiến người khác phải tránh xa mình vì cứ đòi hỏi được chú ý liên tục. Sự thèm khát được chấp nhận về tính dục đã sản sinh ra những nền công nghiệp về mỹ phẩm, thời trang, phim ảnh..
Sự thèm khát liên quan tới sự tích trữ và lòng tham. Nhưng sự thèm khát thì không giới hạn, vì nó là một trường năng lượng tiếp diễn, khi một nỗi thèm khát này được thoả mãn, sẽ có sự thèm khát về 1 cái khác. Các nhà triệu phú vẫn luôn ám ảnh bởi việc kiếm thêm được nhiều tiền nữa.
Sự thèm khát, tuy nhiên, là một trạng thái năng lượng cao hơn nhiều so với Thờ ơ vô cảm hay Sầu khổ mất mát. Để đạt được cái gì đó, đầu tiên bạn phải có đủ năng lượng để muốn nó đã. Ti vi truyền hình gây ảnh hưởng lên nhiều người, vì nó khiến người ta muốn thêm nhiều thứ, khiến người ta phải có thêm năng lượng để ra khỏi trạng thái Thờ ơ Vô cảm và bắt đầu tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Sự ham muốn có thể là một khởi đầu cho người ta trên con đường đạt thành tựu. Chính vì thế, sự Thèm khát trở thành một bàn đạp dẫn tới những tầm nhận thức cao hơn.
****
Mức rung động năng lượng 150: Tức giận
****
Dù Tức giận có thể dẫn tới tàn sát và chiến tranh, nhưng trường năng lượng của nó cách Chết chóc một khoảng cách xa so với những cảnh giới thấp hơn. Cơn tức giận có thể dẫn tới hành vi xây dựng hoặc phá hoại. Khi người ta ra được khỏi Sự thờ ơ và Nỗi sầu khổ, rồi vượt lên Nỗi sợ và bắt đầu có ham muốn; thì Sự thèm khát cũng khiến người ta bất mãn, và dẫn tới Tức giận.
Nỗi tức giận có thể là đòn bẩy khiến người bị kìm hãm tiến nhanh đến sự tự do. Cơn tức giận về sự bất công trong xã hội, sự đàn áp, sự bất bình đẳng.. đã tạo nên những phong trào dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong xã hội.
Nhưng Nỗi tức giận đa số lại có mùi thiu của sự oán hận, thù hằn. Và vì thế nó biến chất thành sự nguy hiểm.
Khi Nỗi tức giận trở thành phong cách sống, người ta lúc nào cũng đầy khó chịu, hơi tí là nổi cáu, rất nhạy cảm với mọi thứ, và trở thành “người thích sưu tầm sự bất công”, hay gây gổ tranh cãi, động tí là đấu tranh, lúc nào cũng hùng hổ hành động đòi nọ kia.
Vì Sự tức giận nảy mầm từ ham muốn nhưng bất mãn, nên nó có nền tảng của trường năng lượng thấp hơn nó. Sự bất mãn đến từ việc cường điệu hoá cái sự quan trọng của ham muốn của mình. Người giận dữ cũng như một đứa trẻ, có thể sẽ nổ tung. Nỗi tức giận rất dễ dẫn đến sự căm ghét, làm xói mòn cuộc sống của người ta trên mọi mặt trận.
****
Mức rung động năng lượng 175: Sự tự tôn
****
Sự tự tôn, được xác định ở mức 175, có năng lượng đủ để vận hành Thuỷ quân Lục chiến Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Đây là mức năng lượng thường thấy trong xã hội con người. Ngược lại với mức năng lượng thấp hơn, người ta sẽ thấy tích cực khi đạt đến mức năng lượng này.
Sự nâng cao lòng tự tôn này chính là thuốc xoa dịu mọi đớn đau từng phải chịu ở những mức nhận thức thấp hơn.
Sự tự tôn trông đẹp đẽ, và nó biết điều đó. Nó kiêu hãnh bước đi trong cuộc diễu hành của cuộc đời. Sự tự tôn ở khoảng cách khá xa so với Sự hổ thẹn, Mặc cảm tội lỗi, hay Nỗi sợ hãi. Nên bước nhảy ngoạn mục này có thể so sánh với việc từ xóm liều vô vọng mà một bước vọt lên thành thuỷ quân lục chiến.
Vì thế Sự tự tôn có uy tín tốt, được xã hội khuyến khích. Ấy thế nhưng nếu ta nhìn trong bảng xếp hạng các mức độ nhận thức, thì nó vẫn đủ tiêu cực để bị nằm dưới mốc 200 quan trọng. Đây là lý do vì sao Sự tự tôn dù cho cảm giác mát rượi, vẫn chỉ là mát hơn so với những mốc bên dưới nó.
Sự tự tôn lúc nào cũng phòng thủ và dễ bị tổn thương bởi vì nó bị lệ thuộc vào các điều kiện bên ngoài, không có chúng thì nó sẽ rớt hạng thảm hại. Một bản ngã bị thổi phồng sẽ rất dễ bị tổn thương trước sự tấn công. Sự tự tôn vẫn là yếu ớt, bởi nó rất dễ bị hất chổng vó thành Sự hổ thẹn. Mà Sự hổ thẹn lại chính là ngòi châm cho nỗi sợ mất mát trong Sự tự tôn.
Sự tự tôn mang tính chia rẽ và là điều kiện dẫn đến chủ nghĩa bè phái. Hậu quả của nó khá trầm trọng.
Loài người thường chết vì sự kiêu hãnh của chính mình. Các đội quân vẫn chém giết nhau vì một nét đẹp kiêu hãnh mang tên chủ nghĩa dân tộc. Những cuộc chiến tôn giáo, khủng bố chính trị và cuồng tín, lịch sử đẫm máu giữa Trung Đông và Trung Âu, đều là cái giá cho Sự tự tôn, mà toàn thể xã hội phải trả.
Mặt tối của Sự tự tôn, vì thế, chính là sự ngạo mạn và tự dối mình. Những đặc điểm này ngăn cản sự trưởng thành trong nhận thức. Ở Sự tự tôn, việc chữa khỏi sự nghiện ngập là không thể, vì mọi vấn đề về cảm xúc và hành vi đều bị phủ nhận. Toàn bộ vấn đề cốt lõi của một người cứ sống trong ảo tưởng và phủ nhận, chính là bắt nguồn từ Sự tự tôn. Vì thế Sự tự tôn là một chướng ngại vật siêu to khổng lồ cho con đường dẫn đến Sức mạnh thực sự. Sức mạnh này sẽ thay thế Sự tự tôn với uy tín và thanh danh thực sự.
****
Mức rung động năng lượng 200: Dũng khí
****
Ở mức 200, sức mạnh giờ mới bắt đầu xuất hiện. Khi chúng tôi kiểm tra những người có năng lượng dưới 200, chúng tôi thấy rõ là họ cực yếu. Tất cả những người có phản hồi mạnh mẽ với trường năng lượng tốt cho sự sống trên 200. Đây chính là mức năng lượng tối quan trọng giúp phân biệt giữa các ảnh hưởng tiêu cực và tích cực trong cuộc sống.
Ở mức Dũng khí, người ta đạt được sức mạnh thực sự; vì thế, đây cũng là mức khiến người ta có đòn bẩy về sức mạnh. Đây là vùng khám phá, thành đạt, có nghị lực trong tâm hồn, và đầy ý chí. Ở những mức rung động năng lượng thấp hơn, thế giới được xem như vô vọng, buồn chán, đáng sợ, đầy bất mãn. Nhưng ở mức Dũng khí, cuộc đời được nhìn với đôi kính hồng, đầy háo hức, thách thức, và kích thích.
Có dũng khí, nghĩa là sẵn sàng thử cái mới và đối mặt với những đổi thay của cuộc sống. Ở mức độ này, một người có thể đối diện và xử lý các cơ hội của cuộc đời. Ví dụ, ở mức 200, người ta có đủ năng lượng để học kỹ năng mới. Sự trưởng thành và giáo dục trở thành những đích đến. có thể đạt được. Người ta có khả năng đối diện với nỗi sợ và điểm yếu của mình mà vẫn trưởng thành. Sự bồn chồn lo lắng không làm cho người ta nhụt chí như ở những mức tiến hoá thấp hơn.
Những rào cản khiến người có nhận thức dưới 200 ngã gục, thì giờ lại là sự kích thích cho những người đã tiến hoá ở bậc đầu tiên của sức mạnh thực sự.
Những người ở mức này trao đi cho thế giới một năng lượng đúng như họ đã lấy. Ở mức thấp hơn, dân số cũng như cá nhân khiến cho xã hội bị rút năng lượng mà chả trao được lại cái gì.
Bởi vì sự thành đạt đem lại phản hồi tích cực, nên phần thưởng cá nhân và lòng tự tôn lại càng tự nó được củng cố. Đây là khi năng suất hình thành.
Mức nhận thức chung của nhân loại dừng ở ngưỡng 190 trong rất nhiều thế kỷ, và không hiểu tại sao, lại nhảy vọt lên 204 chỉ trong vòng 1 thập kỷ qua.
****
Mức rung động năng lượng 250: Trung dung
****
Năng lượng trở nên vô cùng tích cực khi người ta đạt ngưỡng Trung Dung, vì nó thoát khỏi những phẩm chất vốn có của tầng năng lượng thấp.
Dưới 250, nhận thức con người vẫn nhìn mọi thứ bị chia hai, và vẫn còn cứng nhắc, đây cũng chính là điểm hạn chế khi mà thế giới thật ra cực kỳ tinh xảo và đa chiều chứ không chỉ có hai màu trắng, đen.
Khi mà cứ mắc kẹt vào việc chia mọi thứ làm đôi như vậy, người ta tạo ra sự chia rẽ, phản kháng, đối nghịch. Cũng như trong võ đạo, điểm nào cứng chắc thì đó là điểm yếu, cái gì không biết uốn lượn thì nó sẽ gãy. Vượt lên trên rào cản hay các điểm đối lập gây mất năng lượng, trạng thái Trung Dung cho phép sự linh hoạt và không phán xét, đồng thời cho người ta khả năng đánh giá vấn đề một cách trung thực.
Trung dung, có nghĩa là không dính mắc vào kết quả; việc không đạt được kết quả không còn bị coi là thất bại; là đáng sợ; hay bất mãn.
Ở mức độ Trung dung, một người có thể nói: “Ồi, việc này không được thì làm việc khác”. Đây chính là điểm khởi đầu của sự tự tin đến từ bên trong, cảm nhận được sức mạnh của bản thân, vì thế mà không dễ bị ai làm cho mặc cảm.
Người này cũng chẳng có nỗ lực để chứng minh điều gì. Cho rằng cuộc sống lên voi xuống chó vô thường cũng chẳng sao, còn lăn được là còn ổn, chính là điển hình của năng lượng 250.
Người ở mức năng lượng Trung Dung có cảm giác khoẻ mạnh trong thể chất và tinh thần, điểm nhận diện mức năng lượng này là khả năng tự tin sống trong đời. Điều này, vì thế, chính là mức độ trải nghiệm sự an toàn của cuộc sống. Người ở mức năng lượng này rất dễ để sống cùng và rất an toàn để giao lưu, vì họ không quan tâm tới mâu thuẫn, cạnh tranh, hay mặc cảm tội lỗi. Họ thoải mái và không bị dằn vặt lương tâm. Thái độ này không nhuốm màu phán xét và chẳng dẫn đến bất cứ nhu cầu nào để kiểm soát hành vi người khác.
Mặt khác, vì những người Trung Dung coi trọng sự tự do, họ cũng không dễ để bị kiểm soát.
****
Mức rung động năng lượng 310: Sự sẵn lòng
****
Mức năng lượng rất tích cực này có thể được coi như cánh cửa dẫn tới nhận thức cao hơn.
Nếu như ở mức Trung Dung, công việc được hoàn thành vừa đủ, thì ở mức Sẵn lòng, công việc được hoàn thành cực tốt, và sự thành công đến với mọi lĩnh vực. Sự trưởng thành ở mức năng lượng này là rất nhanh chóng. Đây là những người được chọn để đến tầm cao hơn. Sự sẵn lòng cho thấy một người đã qua được thói quen cưỡng lại cuộc đời và giờ thì sẵn lòng hào hứng sống.
Dưới mức 200, người ta bảo thủ, nhưng ở mức 310 xảy ra một sự cởi mở vĩ đại. Ở mức này, người ta trở nên chân tình thân thiện, thành công trong xã hội và tài chính cứ thế nối tiếp nhau một cách tự động. Người Sẵn lòng không thấy phiền bởi sự thất nghiệp, vì họ sẽ nhận bất cứ việc gì khi họ phải thế, hoặc tự họ sẽ làm việc cho chính mình. Họ không thấy bị đánh giá thấp nếu phải làm việc phục vụ hoặc bắt đầu từ số 0. Họ hồn nhiên thích giúp đỡ người khác và đóng góp cho sự tốt lành của xã hội. Họ sẵn lòng đối diện với các vấn đề nội tại và không có nhiều rào cản học hỏi.
Ở mức độ này, sự tự tôn cao một cách tự nhiên, và được củng cố bởi những phản hồi tốt đẹp của xã hội dưới dạng ghi nhận, ngợi khen, ban thưởng. Người Sẵn lòng rất đồng cảm và phản hồi nhanh nhạy với nhu cầu của người khác. Những người Sẵn lòng chính là người xây dựng và đóng góp cho xã hội.
Với khả năng hồi phục cực nhanh sau khó khăn và học hỏi qua trải nghiệm, họ có xu hướng tự hoàn thiện mình. Vì đã vứt bỏ được Sự kiêu hãnh, họ sẵn sàng nhìn vào điểm yếu của mình và học từ người khác. Ở mức Sẵn lòng, họ trở thành học viên xuất sắc. Họ dễ dàng để được truyền thụ và là đại diện cho một nguồn sức mạnh đáng kể của xã hội.
****
Mức rung động năng lượng 350: Chấp thuận
****
Ở mức nhận thức này xảy ra một sự chuyển hoá lớn lao, với sự hiểu biết rằng mình chính là nguồn, và là thứ tạo ra mọi trải nghiệm trong cuộc đời mình. Khi biết tự chịu trách nhiệm cho chính mình như vậy, người đó đã bước lên một cảnh giới khác trong sự tiến hoá về nhận thức. Mức tiến hoá này cho thấy người ta có thể sống hài hoà với mọi biến động của cuộc đời.
Mọi người ở dưới mức 200 thường bất lực và coi mình là nạn nhân của cuộc đời. Điều này bắt nguồn từ niềm tin rằng gốc của hạnh phúc hay lý do của đau khổ là ở “ngoài kia”.
Bước nhảy vọt được hoàn thành, khi người ta giành lại quyền năng về mình, và nhận ra rằng mình mới chính là nguồn của hạnh phúc. Ở mức độ tiến hoá này, không còn gì được gọi là “ngoài kia” có khả năng làm cho mình hạnh phúc, và tình yêu không phải là thứ được trao đi lấy lại bởi người khác, mà nó được tạo sẵn bên trong mình.
Đừng nhầm lẫn sự Chấp thuận với sự thụ động, một triệu chứng của Thờ ơ. Hình thái của sự Chấp thuận này cho phép người ta sống theo cách mà cuộc đời muốn, không còn cần phải bắt nó theo kế hoạch hay mục tiêu nào nữa. Với Sự chấp thuận, cảm xúc bình ổn, tầm nhìn rộng ra, và sự phủ định / dối lòng được chuyển hoá. Người này bây giờ có thể nhìn mọi thứ mà không bóp méo nó hay suy diễn nó lệch lạc. Bối cảnh trải nghiệm giờ mở rộng nên người ta có thể nhìn “toàn cảnh”. Sự chấp thuận này nghĩa là cân bằng và hợp lý.
Người ở mức Chấp thuận không quan tâm tới xác định xem cái gì đúng cái gì sai, thay vì đó, dồn tâm huyết vào chuyển hoá vấn đề. Việc khó khăn không làm cho người ấy bất ổn hay băn khoăn. Những cái đích lâu dài thay thế những cái đích ngắn hạn, kỷ luật và thấu hiểu bản thân trở nên chính yếu.
Ở mức Chấp thuận, người ta không bị chia ra hai cực bởi mâu thuẫn hay đối kháng, người ta nhìn mọi người bình đẳng như nhau, và trân trọng sự bình đẳng đó. Trong khi những người ở tầng thấp hơn thì cứng nhắc hơn, thì ở tầng này, sự đa dạng xã hội trở thành một hình thức giải quyết vấn đề. Vì thế, mức độ này không còn sự phân biệt hay khó chịu. Người ta nhận thức được rằng bình đẳng không mâu thuẫn với sự đa dạng. Sự chấp thuận bao gộp mọi thứ, chứ không chối bỏ.
****
Mức rung động năng lượng 400: Lý lẽ
****
Trí thông minh và sự nhạy bén nổi lên trên, trong khi cảm xúc của những tầng thấp thì được chuyển hoá. Người lý lẽ có khả năng xử lý một khối lượng thông tin phức tạo và khổng lồ, đưa ra các quyết định nhanh chóng và đúng đắn. Người này hiểu ra những đan xen phức tạp của các mối quan hệ, sự khác biệt tinh tế, và sử dụng tuỳ ý các biểu tượng và khái niệm trừu tượng, những điều này càng về sau sẽ càng quan trọng.
Đây là mức phát triển của khoa học, y học, và sự tăng trưởng về khả năng sáng chế và hiểu biết. Tri thức và giáo dục là nền tảng. Sự hiểu biết và thông tin là các công cụ chính để đạt thành tựu, đây chính là nét chung của mức 400.
Đây là mức độ của những người nhận giải Nobel, những người cầm quyền vĩ đại, chánh án..v.v Einstein, Freud và rất nhiều những nhà tư tưởng vĩ đại trong lịch sử có mức rung động năng lượng tầm này.
Điểm yếu của mức năng lượng này là việc thiếu khả năng phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa các biểu tượng và thứ mà chúng đại diện, sự nhầm lẫn giữa thế giới chủ quan và khách quan, khiến cho sự hiểu biết về nhân quả trên thế giới bị giới hạn.
Ở mức độ này, người ta rất dễ nhìn thấy cây mà không thấy rừng, bị ngộ chữ và mắc kẹt trong lý thuyết và khái niệm. Trở thành người ưa lý luận nhưng điểm chính yếu thì không nhìn thấy.
Việc trí tuệ hoá mọi thứ sẽ tự nó kết thúc chính nó. Lý trí trở nên giới hạn vì chúng không đủ khả năng để thấu hiểu rõ ràng sự tinh tuý của 1 vấn đề phức tạp. Và thông thường chúng bỏ qua bối cảnh.
Lý lẽ không bao giờ mang lại sự chỉ dẫn về Sự thật. Nó tạo ra khối lượng thông tin và tài liệu khổng lồ, nhưng thiếu đi khả năng giải quyết sự khác nhau giữa các số liệu và kết luận.
Tất cả các tranh luận triết học nếu tách riêng ra thì nghe có vẻ hợp lý. Mặc dù Lý lẽ khá hiệu quả trong thế giới kỹ thuật, nơi mà phương pháp và logic làm chủ. Nhưng chính Lý lẽ, thật oái oăm, lại là rào cản lớn nhất để con người đạt tới mức nhận thức cao hơn. Chuyển hoá được qua khỏi mức này là rất hiếm – chỉ có 4% dân số thế giới làm được điều đó.
****
Mức rung động năng lượng 500 – Tình yêu
****
Tình yêu được nhắc đến trên các phương tiện đại chúng không phải là thứ mà mức rung động năng lượng này đại diện.
Trái ngược hẳn lại, cái mà thế giới vẫn nói về như thể Tình yêu, lại là một cảm xúc mạnh mẽ bao gồm sự hấp dẫn thể xác, sự sở hữu, nghiện ngập, nhục dục, và sự lãng mạn.
Thường nó tan biến rất nhanh và thay đổi liên tục, lúc đầy lúc khuyết theo các điều kiện khác nhau. Khi bất mãn, cảm xúc này lộ ra cơn giận dữ ẩn mình và sự lệ thuộc mà nó từng che đậy.
Tình yêu kiểu này có thể trở mặt ngay thành sự ghét bỏ mà ta vẫn thường nói đến. Điều đáng nói là nó còn không phải là tình yêu, mà thực ra chỉ là cảm giác nghiện ngập bấu víu. Sự ghét bỏ đến từ Sự kiêu hãnh, không phải Tình yêu. Có khi trong một mối quan hệ như vậy chưa bao giờ tình yêu được tồn tại!
Mức 500 là mức phát triển 1 tình yêu vô điều kiện, không thay đổi, luôn tồn tại. Nó không nhấp nhô vì nguồn của nó chính là bên trong cái người mà tình yêu không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài.
Đáng yêu, là trạng thái sống.
Là cách cảm nhận đời, một cách bao dung, chăm sóc, và hỗ trợ.
Tình yêu không phải là trí tuệ và không đến từ trí óc.
Tình yêu có khả năng nâng mọi người lên và đạt được những điều phi thường vì nó thuần khiết không có chủ đích nào.
Ở mức độ phát triển này, khả năng hiểu điều cốt lõi trở nên chính yếu; điều tinh yếu của vấn đề trở thành trung tâm của sự chú ý. Vì lý lẽ được bỏ qua, nên người ta có khả năng nhận diện ngay lập tức toàn thể vấn đề và mở rộng bối cảnh, nhất là về thời gian và tiến trình.
Lý lẽ chỉ có thể xử lý được một số điều cụ thể, nhưng Tình Yêu thì xử lý tổng thể. Khả năng này, thường được gọi là Trực giác, là khả năng lập tức hiểu vấn đề mà không phải qua bộ xử lý chọn lọc sắp xếp các biểu tượng. Hiện tượng trừu tượng này, thực ra rất vững chãi, ta có thể đo được lượng endorphin lớn được tiết ra trong não.
Tình yêu không đòi hỏi vị trí nào, nên nó toàn cầu, vượt lên trên mọi sự phân chia. Từ đó mà người ta có thể “hoà làm một với người khác”, không còn rào cản nào. Tình yêu vì thế bao gộp tất cả và liên tục mở rộng cảm giác về Mình.
Tình yêu tập trung vào điểm tốt đẹp của cuộc đời trong mọi hình thái thể hiện, và cộng hưởng những gì tích cực. Nó hoà tan tiêu cực bằng cách đặt lại bối cảnh cho sự tiêu cực, thay vì tấn công sự tiêu cực.
Đây là tầng hạnh phúc thực chất. Và mặc dù thế giới này ai cũng mê Tình Yêu, và dù mọi tôn giáo còn tồn tại đều ở chỉ số 500 hoặc hơn, nhưng thật thú vị khi lưu ý rằng chỉ có 4% dân số thế giới chạm được vào ngưỡng tiến hoá nhận thức này. Chỉ có 0.4% dân số chạm mức tình yêu vô điều kiện 540.
****
Mức rung động năng lượng 540: Niềm vui sướng
****
Khi tình yêu càng trở nên vô điều kiện, thì nó tự trải nghiệm hạnh phúc nội tại. Đây không phải là một niềm vui bỗng nhiên xảy đến vì có sự kiện nào đó xảy ra như ý muốn. Mà Niềm vui sướng là trạng thái tự nhiên, đồng hành bổ trợ cho mọi hoạt động.
Niềm vui sướng xuất hiện trong mỗi khoảnh khắc hiện hữu, chứ không đến từ tác động bên ngoài. 540 cũng là tầng năng lượng chữa lành và của các nhóm tâm linh nơi mọi người tự hỗ trợ nhau.
Từ tầng 540 trở lên chính là vùng của thánh, các nhà chữa lành tâm linh, và các học viên tâm linh cao cấp. Đặc điểm của trường năng lượng này là khả năng kiên nhẫn to lớn và sự lạc quan bền bỉ trước khó khăn. Đặc điểm lớn của trạng thái này là Từ bi. Những người đạt tới tầng năng lượng này tạo ra chuyển biến rõ rệt nơi người khác. Họ có ánh nhìn rộng, sâu, mở, và lâu, phản ánh tình yêu và sự bình an.
Ở tầng cao trên 500, người ta nhìn thấy thế giới là tạo vật đẹp lấp lánh và hoàn mỹ. Mọi thứ diễn ra trôi chảy không nỗ lực mà đồng điệu. Thế giới cùng mọi thứ trong nó được nhận ra là sự biểu lộ của tình yêu và đấng tối cao. Cá nhân hoà nhập vào làm một cùng đấng tối cao. Người ta cảm nhận được một sự hiện diện đến mức đủ sức mạnh để tạo ra những hiện tượng siêu thực, còn được những người bình thường gọi là điều kỳ diệu. Những hiện tượng này đại diện cho sức mạnh của trường năng lượng, chứ không phải của cá nhân.
Cảm giác về trách nhiệm với người khác giờ có tính chất khác biệt với thứ trách nhiệm mà những người ở tầng thấp hơn thể hiện. Có một mong muốn được dùng trạng thái tỉnh thức này cho lợi ích của chính cuộc sống chứ không phải cho cá nhân nào.
Khả năng yêu nhiều người cùng lúc này đến cùng với sự phát hiện rằng, càng yêu, càng có thể yêu hơn.
Những trải nghiệm cận tử thường cho phép người ta trải nghiệm năng lượng ở mức 540 đến 600
****
Mức rung động năng lượng 600: Bình An
****
Trường năng lượng này thường được gọi là giác ngộ, nhận ra, tỉnh thức.. Nó cực kỳ hiếm.
Khi đạt tới trạng thái này, sự khác biệt giữa chủ thể và khách thể biến mất, không còn điều gì là điểm tập trung của nhận biết nữa. Không hiếm để thấy là các cá nhân ở tầng năng lượng này ẩn mình khỏi thế giới, vì cảnh giới an lạc này không còn cho phép các hoạt động thường ngày. Một số người trở thành thày hướng dẫn tâm linh, một số người khác âm thầm hỗ trợ cho sự trưởng thành của nhân loại. Một số người trở thành nhân tài trong lĩnh vực của họ và đóng góp to lớn cho xã hội. Những người này rất thánh thiện, cũng có khi còn được phong thánh, mặc dù ở mức năng lượng này, tôn giáo chính thống được chuyển hoá, được thay thế bởi tâm linh thuần khiết, nơi mà bất cứ tôn giáo nào cũng xuất phát từ đó.
Sự nhận biết ở mức 600 và cao hơn được tả lại là như cuốn phim tua chậm, mất cảm giác về thời gian và không gian, dù là không có gì tĩnh lại cả, mọi thứ đều sống động và rực rỡ. Dù rằng thế giới này vẫn là thế giới mà những người khác nhìn thấy, nó trở nên liên tục biến chuyển, tiến hoá như một vũ điệu có trật tự, mang lại cảm giác ngập tràn khó tả.
Sự giác ngộ này xảy ra một cách phi lý trí, vì thế tâm trí tĩnh lặng bất tận, không còn ý tưởng nào. Thứ đang nhìn và thứ được nhìn giờ cùng là một; người nhìn tan vào cảnh vật và trở thành thứ được nhìn.
Mọi thứ đều kết nối với nhau bởi một SỰ HIỆN DIỆN với sức mạnh vô cực, dịu dàng, mà vững chãi.
Những tác phẩm hội hoạ, kiến trúc, âm nhạc vĩ đại với chỉ số năng lượng từ 600-700 có khả năng đưa chúng ta tới cảnh giới nhận thức cao hơn, những tác phẩm đó được nhân loại công nhận là đầy cảm hứng và sống mãi với thời gian.
Cần nhớ rằng các chỉ số đánh giá không được tính theo cách tính số học arithmetic thông thường, mà là logarithmic (luỹ tiến). Vì vậy, mức 300 không có nghĩa là gấp đôi mức 150; mà là gấp 300 lần của bậc 10 (10^300)
Vì thế, sự tăng lên dù chỉ một vài điểm cũng cho thấy sức mạnh đáng kể; vì thế tốc độ tăng trưởng sức mạnh khi ta tiến lên bậc cao hơn cũng cực kỳ to lớn.
Mọi rung động dưới mức 200 đều mang tính huỷ hoại tới cuộc sống, cho cả cá nhân lẫn xã hội rộng hơn. Ngược lại, mọi mức độ rung động trên 200 đều là sự thể hiện đầy tính xây dựng của sức mạnh. Mức 200 chính là đòn bẩy giúp phân biệt giữa Vũ lực (Sai lầm) và Sức Mạnh (Sự thật/ chân lý)
Một người có thể có tần số rung động ở mức này ở mặt này, nhưng lại có tần số rung động ở mức khác tại mặt khác. Tần số rung động tổng hoà của người đó sẽ là hệ quả được tính từ các mức rung động khác nhau.
Nguồn: https://www.facebook.com/466071074189538/photos/a.467046824091963/524976714965640/?type=3&theater
Mình chia sẽ để nhiều người có thể đọc bài viết này. Xin cám ơn tác giả đã dịch bài. 

Posted

in

by

Tags:

Comments

4 bình luận cho “Tần số rung động năng lượng ở con người – Trích đoạn từ cuốn Power Vs Force của David R. Hawkins do Ly lược dịch.”

  1. Ảnh đại diện Nguyễn Trọng Long
    Nguyễn Trọng Long

    Mình cảm ơn bạn đã chia sẻ

  2. Ảnh đại diện Chu Hồng Vệ
    Chu Hồng Vệ

    Là một người làm việc trong chuyên ngành vô tuyến điên và nghiên cứu Phật giáo tôi như vớ được chìa khóa giải mã về con người sau khi Dr. David R. Hawkins công bố kết quả nghiên cứu “Tần số năng lượng cơ thể”. Đó là Tần số rung động của năng lượng cơ thể chứ không phải “Cơ thể rung động tạo ra năng lượng” đâu nhé.

  3. Ảnh đại diện Thach

    Cách đo Tần số năng lượng này như thế nào hả bác?

  4. Ảnh đại diện Võ công Danh
    Võ công Danh

    Rất biết ơn tác biết ơn dịch giả và đội nhóm chia sẽ mình có được cơ hội học hỏi ,mong mọi người có nhiều chia sẽ đóng góp cho xã hội ngày càng phát triển.Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời Nguyễn Trọng Long Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *